Quản lý Lũ và Hạn – VNMC
TTCP Nguyễn Xuân Phúc

Chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác để sông Mê Công mãi là dòng chảy của hoà bình, là kết nối sinh tồn, bền vững, thịnh vượng, đến muôn đời các quốc gia, người dân trong khu vực.

Hội nghị cấp cao lần thứ 3 MRC
Siêm Riệp ngày 5.4.2018

Lịch
< Tháng Mười Một 2024 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30  
Thời tiết hôm nay
Weather Icon
Weather Icon
Weather Icon
Weather Icon
Weather Icon
Weather Icon

Chung nhan Tin Nhiem Mang

(Tin được truy cập lần thứ :5 Trong tổng số :609762 Lượt truy cập web)

Quản lý và giảm nhẹ lũ

Lũ là hiện tượng tự nhiên xảy ra từ ngàn xưa trên châu thổ sông Mê Công vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm. Lũ mang lại phù sa màu mỡ, nguồn lợi thuỷ sản phong phú, lượng nước ngọt dồi dào, duy trì hệ sinh thái đa dạng của vùng đồng bằng ngập lũ. Tuy nhiên lũ cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với đời sống của người dân như làm thiệt hại về người và tài sản, cơ sở hạ tầng như đường xá, công trình, gây ảnh hưởng không nhỏ tới ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, đặc biệt là các trận lũ lịch sử năm 2000 và những năm khác như 2001, 2002, 2011. Trận lũ gần đây nhất có dạng “lũ nhọn” xảy ra ở khu giữa (thuộc Thái Lan, Lào, Campuchia) vùng Hạ lưu vực sông Mê Công; nước lũ lên nhanh và xuống nhanh mặc dù có đỉnh lũ cao xấp xỉ mực nước lũ lịch sử năm 2000, nhưng không đủ lớn về tổng lượng để có thể tạo lũ “đẹp” cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Trận lũ lịch sử năm 2000 đã gây nhiều thiệt hại về người và của cho các nước vùng Hạ lưu vực Mê Công (LMB) làm cho hơn 800 người chết, hàng triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế lên tới khoảng nửa tỷ USD. Việt Nam cũng là bị thiệt hại nặng 448 người chết, khoảng 5 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế là 285 triệu đô la. Xuất phát từ sáng kiến của chính phủ Việt Nam, và được các quốc gia khác ủng hộ, Chiến lược quản lý Lũ của Uỷ hội sông Mê Công (sau đây gọi tắt là Ủy hội/hoặc MRC) được thông qua năm 2001, sau đó Chương trình Quản lý và Giảm nhẹ Lũ được thực hiện từ năm 2004 với mục tiêu chung là “Ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại về người và của do lũ gây ra, nhưng vẫn duy trì được những lợi ích do lũ mang lại”. Chương trình đã đạt được những thành quả tốt và đóng góp rất thiết thực cho công tác phòng chống lũ lụt của Việt Nam trong các lĩnh vực, công việc:

  • Dự báo và cảnh báo lũ; trang bị thêm các công cụ dự báo, các tài liệu/chỉ dẫn kỹ thuật.
  • Giúp lập kế hoạch và đề xuất giải pháp phòng chống lụt, lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
  • Xác định các vấn đề lũ xuyên biên giới; tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng trong điều phối giải quyết các vấn đề lũ xuyên biên giới.

Với nhu cầu cấp thiết cần phải quản lý và giảm nhẹ lũ, được sự ủng hộ của các nhà tài trợ, Chương trình giai đoạn 2011-2015 tiếp tục được thực hiện với mục tiêu: “Quản lý và phát triển lưu vực hạ lưu sông Mê Công bằng các giải pháp tốt nhất nhằm Giảm thiểu tới mức tối đa các tác hại do lũ gây ra và duy trì những nguồn lợi do lũ mang lại”. Giai đoạn này tiếp tục cung cấp: (i) Các sản phẩm dự báo và cảnh báo lũ, cập nhật và phát triển cơ sở dữ liệu, phát triển các mô hình, công cụ tính toán, các chỉ dẫn kỹ thuật về quản lý và giảm nhẹ lũ và giải quyết các vấn đề lũ xuyên biên giới; (ii) Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tính chất của lũ; (iii) Hỗ trợ chương trình hạn và dự báo dòng chảy mùa kiệt… Các hoạt động này tiếp tục được duy trì trong giai đoạn 2016-2020. Lưu ý rằng từ giai đoạn này các hoạt động của Ủy hội không còn theo khuôn khổ các Chương trình mà theo các lĩnh vực.

Quản lý Hạn:

Trong vài thập kỷ qua, hạ lưu vực sông Mê Công đã trải qua các kỳ hạn hán nghiêm trọng gây tổn thất kinh tế to lớn do thiệt hại về cây trồng trong nông nghiệp, tác động tiêu cực đến môi trường và sinh kế của người dân. Các kỳ hạn hán được ghi nhận trong các năm 1993, 1998-1999, 2004-2005, 2009-2010, 2015-2016 và gần đây nhất 2019-2020.

Hạn hán năm 2015-2016 đã phá vỡ kỷ lục lịch sử 100 năm cho sự khan hiếm nước ở LMB, nhiệt độ cao và mức độ xâm nhập mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL. Các tác động mang lại tổn thất kinh tế nghiêm trọng cho Việt Nam ước tính là 669 triệu USD (VND15.000 tỷ đồng) và chi phí phục hồi từ hạn hán được ước tính là 1.500 tỷ USD (VND 34.000 tỷ đồng).

Mùa khô năm 2019-2020 đã chịu tác động của thời tiết bất thường, ít mưa trên hầu hết lưu vực sông Mê Công. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT đến tháng 6 năm 2020, hạn mặn năm 2019-2020 đã làm cho khoảng 41.900ha lúa đông xuân ở các tỉnh ĐBSCL thiệt hại; trong đó mất trắng là 26.000ha. Được đánh giá là đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử ĐBSCL.

Bản đồ chỉ số Hạn tổng hợp vùng hạ lưu vực sông Mê Công

Việc quản lý hạn hán là một trong những hoạt động của Ủy hội lần đầu tiên được đưa ra theo khuôn khổ chương trình quản lý hạn vào tháng 6/2012 trong Chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu là để góp phần giảm thiểu các tác động gây tổn thương cho người dân và hệ thống tài nguyên liên quan đến nguồn nước trong điều kiện hạn hán nghiêm trọng xảy ra trên các vùng thuộc Lưu vực sông Mê Công (LMB). Kể từ tháng 9/2019, Ủy ban Liên hợp của Ủy hội đã quyết định tích hợp các hoạt động về quản lý hạn hán với hoạt động dự báo lũ lụt của Trung tâm Quản lý và Giảm nhẹ Lũ lụt Khu vực (RFMMC); đồng thời đổi tên Trung tâm thành Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán Khu vực (RFDMC) thuộc Vụ Kỹ thuật (TD) của Ủy hội.

Với kỳ vọng việc quản lý hạn hán sẽ góp phần tạo ra các kết quả phát triển dài hạn tích cực cùng với các lĩnh vực khác, góp phần vào việc đạt được tầm nhìn của Ủy hội cho lưu vực sông Mê Công: “Kinh tế thịnh vượng, Xã hội công bằng Môi trường khỏe mạnh trên lưu vực sông Mê Công“; với sứ mệnh “Thúc đẩy và điều phối việc quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan mang lại lợi ích chung cho các quốc gia và phúc lợi cho người dân của mình“, được xây dựng trong năm 1999 và tái khẳng định trong các kế hoạch chiến lược MRC SP 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020; và giai đoạn tới 2021-2025.

Trong giai đoạn đầu, Chương trình Quản lý Hạn hán được Chính phủ Nhật tài trợ thông qua hợp tác ASEAN-Nhật bản (JAIF). Dự án này đã giúp điều tra các tác động và tính dễ tổn thương tại những vùng có xu hướng thường xảy ra hạn hán của các nước thành viên của Ủy hội; xác định năng lực của các quốc gia về giám sát và dự báo hạn hán; phát triển một hệ thống tiên tiến về dự báo, cảnh báo sớm hạn hán (DFEW); và xây dựng chiến lược quản lý hạn hán khu vực 2020-2025.

Một số những kết quả hiện hữu trong giai đoạn đầu tiên là Chiến lược Quản lý Hạn hán 2020-2025. Chiến lược này định hướng cho việc quản lý hạn hán nhằm theo đuổi mục tiêu chung dài hạn “Để hỗ trợ các nước thành viên phát triển khả năng và năng lực bền vững đối với việc quản lý tính dễ tổn thương về hạn hán trong LMB một cách hiệu quả, bền vững và công bằng” trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025; hệ thống dự báo, cảnh báo hạn sớm đã hoạt động khá hiệu quả.

Các hoạt động trong giai đoạn tiếp theo đã được Chính phủ Nhật cam kết hỗ trợ thông qua Dự án kéo dài 4 năm như đã nêu ở trên cho cả lũ và hạn. Về hạn, dự án nhằm mục đích tăng cường khả năng thích ứng của các nước thành viên trong việc chống lại các nguy cơ hạn hán và giảm thiểu các tác động thông qua việc sử dụng TNN bền vững; hỗ trợ các nước thành viên trong công tác dự báo và cảnh cáo sớm để sẵn sàng ứng phó phục vụ cho quy hoạch phát triển tài nguyên nước; Xây dựng Chỉ dẫn thích ứng với hạn cấp vùng để xét các tác động về hạn ở cấp quốc gia và xuyên biên giới.

Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán cấp vùng của Ủy hội sông Mê Công

Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán cấp vùng (RFDMC) của Ủy hội, mà tiền thân là Trung tâm quản lý và giảm nhẹ Lũ cấp vùng (RFMMC), được thành lập từ năm 2004 thông qua Chương trình Quản lý và Giảm nhẹ lũ của Ủy hội. Sau đó, tháng 9/ 2019, Ủy hội đã thống nhất đưa lĩnh vực quản lý hạn vào trong hoạt động của Trung tâm đồng thời đổi tên Trung tâm thành RFDMC như đã nêu.

Nhiệm vụ của Trung tâm là thực hiện các hoạt động:

  • Thực hiện dự báo lũ sông ngắn hạn (1-5 ngày) vào mùa mưa (tháng 6-10); giám sát dòng chảy trên sông vào mùa khô (tháng 11 đến tháng 5 năm sau) cho 22 trạm giám sát trên dòng chính sông Mê Công. Kết quả dự báo, giám sát được gửi tới các quốc gia, đồng thời được đưa rộng rãi trên trang Web: http://ffw.mrcmekong.org/stations.php?StCode=TCH&StName=Tan%20Chau
  • Cung cấp các chỉ dẫn và thông tin về khả năng xảy ra lũ quét tại các vùng đồi núi thuộc LMB. Công cụ này đã được chuyển giao cho các Trung tâm Dự báo Quốc gia, là một phần của hệ thống chỉ dẫn lũ quét toàn cầu. Ở Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Quốc gia có quyền truy cập và tác nghiệp độc lập đồng thời kiểm chứng kết quả với RFDMC. Sản phẩm về lũ quét có tại: http://ffw.mrcmekong.org/ffg.php
  • Cung cấp kết quả phân tích, giám sát về hạn (theo tuần, tháng, 3 tháng) trên các dòng nhánh và các vùng có xu thế hạn của LMB thông qua hệ thống dự báo, đánh giá khí hậu, thủy văn cực đoan. Kết quả có tại: http://droughtforecast.mrcmekong.org/maps
  • Thực hiện các hoạt động trao đổi thông tin quan trắc trên lưu vực, phát triển các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm lũ và hạn.

Cùng với việc thực hiện Chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2021-2025, Trung tâm sẽ nâng tầm hoạt động trong thời gian tiếp theo. Cụ thể là nâng cao hơn độ chính xác cho dự báo ngắn hạn; cung cấp dự báo trung hạn (1 tháng), dài hạn (1-3 tháng) và xu thế theo mùa… Để đạt được mục tiêu cụ thể này, cần có sự chung tay hỗ trợ, góp sức, nỗ lực không chỉ từ bản thân Trung tâm mà từ cả các nhà tài trợ cũng như các cấp, các ngành của các quốc gia thành viên.