Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina và lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công trong tháng 12 sẽ ở mức thấp hơn hoặc tương đương với giá trị TBNN. Mực nước tại các trạm thượng nguồn như Chiềng Sẻn, Chiềng Không (và các trạm vùng trung lưu là Noọng Khai, Pắc Sế sông Mê Công đang có xu thế giảm, đồng thời lưu vực đã chuyển sang mùa khô, khả năng các hình thái thời tiết gây mưa trên lưu vực không nhiều và cường độ mưa tiếp tục có xu thế giảm, nên khả năng dòng chảy trên dòng chính Mê Công sẽ tiếp tục giảm và do vậy dòng chảy tại trạm Kra-chê trong tháng 12/2022 sẽ có khả năng đạt ở mức tương đương hoặc thấp hơn mức TBNN khoảng 5-10% (dao động từ 9,0 tỷ m3 đến 10,8 tỷ m3 ) tuy nhiên lượng nước trữ ở Biển Hồ vẫn ở mức cao hơn TBNN. Kết hợp với dự báo triều, dòng chảy tới Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 12/2022 được nhận định cao hơn TBNN cụ thể như sau: Mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu trong tháng 12/2022 sẽ tiếp tục giảm dần theo thời gian với mức dao động trong khoảng từ 2,1m xuống 2,0m, sau đó sẽ dâng nhẹ do ảnh hưởng triều cường trong thời gian từ 24-30/12. Mực nước cao nhất trong tháng 12/2022 sẽ vẫn có khả năng cao hơn so với TBNN khoảng 0,1m đến 0,4m và trong thời gian từ ngày 12-31/12 sẽ cao hơn với năm 2021 từ 0,1m đến 0,5m. Có thể kết luận mùa lũ năm 2022 đã kết thúc vào ngày 29/10 và đang chuyển dần sang chế độ mùa khô. (Xem Hình dưới)
Hình. Dự báo mực nước lớn nhất tại trạm Tân Châu trong tháng 12/2022
Tổng lưu lượng trung bình ngày tới Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 12/2022 được nhận định là sẽ biến động theo xu hướng giảm dần từ khoảng 14.100 m3/s xuống 10.000 m3 /s (Xem Hình dưới). Trong thời gian này tổng lưu lượng trung bình ngày tại 02 trạm này cao hơn so với TBNN từ 9.000 m3/s đến 2.100 m3/s và cao hơn cùng kỳ năm 2021 từ 1.300 m3/s đến 2.400 m3/s
Hình. Dự báo lưu lượng tới hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 12/2022
Tổng lượng dòng chảy trong tháng 12/2022 qua hai trạm này có thể sẽ ở mức từ 31,3 tỷ m3 đến 32,6 tỷ m3 , cao hơn khoảng từ 10% đến 14% giá trị TBNN và cao hơn từ 14% đến 19% so với giá trị cùng kỳ năm 2021 (Xem Hình dưới).
Hình. Dự báo tổng lượng dòng chảy tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 12/2022
Theo như các phân tích ở trên, nền dòng chảy cuối mùa lũ năm 2022 cao hơn so với TBNN, đây sẽ là những điều kiện thuận lợi cho ĐBSCL trong vấn đề chủ động trong công tác trữ nguồn nước chuẩn bị cho mùa khô năm sau. Hiện nay một diện tích ở vùng ngập lũ vẫn còn nước, có thể tranh thủ xuống giống vụ Đông Xuân với các chân ruộng cao có mực nước thuận tiện, các khu vực ven biển cần lưu ý khi kết hợp đưa nước cải thiện ruộng đồng thì cần tránh kỳ triều cường gây ngập úng cục bộ. Thêm vào đó, như bản tin trước đã khuyến cáo, các địa phương cần tiếp tục chủ động công tác trữ nước và có kế hoạch sớm ngay trong tháng 12 nhằm tránh trường hợp nguồn nước thượng nguồn về có thể sụt giảm trong một số thời điểm và do ảnh hưởng của triều cường. Theo dự báo ở trên, mặc dù tháng 12/2022 khả năng nguồn nước mặt trên sông Cửu Long và kênh rạch khu vực nội đồng có thể cao hơn mặt bằng vài năm gần đây, tuy nhiên vẫn có khả năng bắt đầu sẽ có hiện tượng mặn xâm nhập trong tháng 12/2022, nhất là các tỉnh ven biển. Do đó, những vùng có nguy cơ thiếu nước cần xuống giống sớm để né hạn, mặn. Các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng mặn gồm các huyện: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa và Tp. Tân An (Tỉnh Long An); Gò Công Đông, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (Tỉnh Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (Tỉnh Bến Tre); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Tỉnh Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm (Tỉnh Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long (Bạc Liêu); Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành (Tỉnh Kiên Giang) và các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, Vị Thanh (Tỉnh Hậu Giang) nên căn cứ vào sự vận hành các hệ thống thủy lợi điều tiết nước liên vùng, khi bố trí xuống giống lúa cần lưu ý các vùng sử dụng chung nguồn nước từ kênh trục trong các khu vực này nhằm tránh tình trạng thiếu nước cục bộ.