Tổng kết diễn biến tài nguyên nước mùa lũ năm 2022 ở vùng Hạ lưu vực sông Mê Công và một số nhận định sơ bộ về tình hình tài nguyên tới Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2023 – VNMC
TTCP Nguyễn Xuân Phúc

Chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác để sông Mê Công mãi là dòng chảy của hoà bình, là kết nối sinh tồn, bền vững, thịnh vượng, đến muôn đời các quốc gia, người dân trong khu vực.

Hội nghị cấp cao lần thứ 3 MRC
Siêm Riệp ngày 5.4.2018

Lịch
< Tháng Mười Hai 2024 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31          
Thời tiết hôm nay
Weather Icon
Weather Icon
Weather Icon
Weather Icon
Weather Icon
Weather Icon

Chung nhan Tin Nhiem Mang

(Tin được truy cập lần thứ :5 Trong tổng số :609762 Lượt truy cập web)

Trên cơ sở các thông tin số liệu thu thập được, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tổng kết diễn biến tài nguyên nước trong mùa lũ năm 2022 (từ đầu tháng 6 đến hết tháng 11) ở vùng Hạ lưu vực sông Mê Công và đưa ra một số nhận định sơ bộ về tài nguyên nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2022 – 2023. Các nội dung chính như sau:

I. TÌNH HÌNH TÀI NGUYÊN NƯỚC MÊ CÔNG MÙA LŨ NĂM 2022

  1. Diễn biến mưa

Theo kết quả thực đo tổng lượng mưa trung bình trên hạ lưu vực sông Mê Công mùa lũ năm 2022 đạt 1.345 mm cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 8%, lượng mưa phân bố tương đối đồng đều trên toàn lưu vực, trong đó lượng mưa cao nhất thuộc về vùng Trung-Nam Lào là 1.523mm vùng Bắc Lào và Thái Lan đạt giá trị thấp nhất là 1122 mm (Bản đồ phân bố mưa Phụ lục 1).

Bảng 1: Tình hình mưa ở Hạ lưu vực sông Mê Công trong mùa lũ 2022

  1. Diễn biến dòng chảy
  • Dòng chảy trên sông Lan Thương – Trung Quốc

Theo số liệu quan trắc tại trạm Cảnh Hồng (có vị trí ngay sau thủy điện Cảnh Hồng) do phía Trung Quốc cung cấp cho thấy trong năm 2022 có 6 đợt nước lớn, với lưu lượng cao hơn 1.500 m3/s, tổng lượng mùa lũ tại trạm Cảnh Hồng đạt khoảng 17,4 tỷ m3.

  • Dòng chảy dọc dòng chính sông Mê Công

Tại trạm Chiềng Sẻn (Thái Lan), là trạm thủy văn đầu nguồn vùng Hạ lưu vực sông Mê Công ở vùng Tam Giác Vàng. Trong mùa lũ năm 2022, diễn biến mực nước có liên hệ chặt chẽ với chế độ vận hành tại trạm thủy điện Cảnh Hồng. Vào đầu mùa lũ có 3 lần mực nước đạt giá trị cao hơn so với giá trị lớn nhất trong giai đoạn 2012-2021, tuy vậy mực nước cao nhất mùa cũng chỉ là 5,9 m thấp hơn mức báo động cấp I đến 5,6m. Tương ứng với mực nước, lưu lượng cũng dao động mạnh và đạt giá trị trung bình mùa lũ năm 2022 khoảng 2.360 m3/s tương ứng với tổng lượng 37,4 tỷ m3 và bằng 97% giá trị TBNN.

Tại trạm Kra-chê (Campuchia) là trạm thủy văn ở cửa ngõ vùng Châu thổ sông Mê Công, mùa lũ năm nay đến muộn, mực nước lớn nhất đạt 20,6 m vào đầu tháng 10 nhưng vẫn thấp hơn mức báo động cấp I là 1,4 m. Tương ứng với mực nước, lưu lượng lớn nhất đạt khoảng 42.000 m3/s, lưu lượng trung bình mùa lũ năm 2022 đạt 19.500 m3/s với tổng lượng đạt 310 tỷ m3 cao hơn giá trị TBNN và năm 2021 lần lượt là 5% và 30%.

Dung tích Biển Hồ

Theo số liệu thực đo tại Kôm-pông Luông, mực nước biển hồ trong mùa lũ năm 2022 luôn lớn hơn TBNN từ 0,4 đến 1,5m cao nhất trong khoảng 5 năm gần đây. Tương ứng với mực nước, dung tích Biển Hồ tính đến ngày 30/11/2022 ước đạt khoảng 34,1 tỷ m3, cao hơn so với TBNN và 2021 khoảng 6,7 tỷ m3 và 7,8 tỷ m3.

Dòng chảy tới Đồng bằng sông Cửu Long

Dòng chảy mùa lũ năm 2022 về Đồng bằng sông Cửu Long tăng đáng kể so với các năm gần đây. Từ ngày 08/10/2022 mực nước lũ tại Tân Châu đạt 3,51 m bắt đầu vượt cấp báo động cấp I (3,5m) và duy trì cao hơn mức báo động I trong 7 ngày. Mực nước lũ lớn nhất đo được vào ngày 12/10 ở mức 3,64m, cao hơn đỉnh lũ lớn nhất gần đây là năm 2019 khoảng 2 cm nhưng đỉnh lũ đến muộn muộn hơn năm 2019 là 15 ngày. Hình dạng lũ năm 2022 đỡ nhọn hơn và có cường xuất tăng mực nước thấp hơn năm 2019. Lưu lượng trung bình dòng chảy lũ năm 2022 qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc đạt khoảng 19.700 m3/s, lưu lượng lớn nhất đạt khoảng 30.000 m3/s xuất hiện vào đầu tháng 10/2022. Tổng lượng dòng chảy đạt khoảng 312,5 tỷ m3, lớn hơn giá trị cùng kỳ TBNN khoảng 27 tỷ m3.

(Diễn biến dòng chảy mùa lũ năm 2022 tại Phụ lục 2).

  1. Nhận xét

Năm 2022 được đánh giá là có mùa lũ tương đối nhiều nước so với khoảng 10 năm gần đây, do một số nguyên nhân sau:

  • Mưa: Lượng mưa phân bố tương đối đều và có tổng lượng trung bình trên toàn lưu vực cao hơn so với TBNN khoảng 100 mm.

  • Các hồ chứa ở vùng Hạ lưu vực sông Mê Công: Lượng mưa trong mùa khô năm 2022 cũng được cho là tương đối lớn so với TBNN và các năm gần đây, do đó đã giúp cho các hồ chứa trong vùng đến cuối mùa khô vẫn còn trữ được lượng nước khá lớn. Giai đoạn cuối mùa khô mực nước ở Kratie đã có một số thời điểm vượt mức cao nhất lịch sử trong mùa khô; lần thứ 1 vào đầu tháng 4/2022, đạt mức cao nhất là 9,04 m, vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ khoảng 0,76 m; lần thứ 2 vào đầu tháng 5/2022 và đến cuối tháng đạt giá trị xấp xỉ giá trị lớn nhất lịch sử.

  • Biển Hồ: Cuối mùa khô 2022, mực nước của Biển Hồ đạt giá trị lớn nhất trong khoảng 10 năm gần đây, do đó lượng nước cần thiết để tích trữ vào biển hồ trong mùa mưa 2022 cũng giảm đi, đây cũng là một trong các nguyên nhân dòng chảy mùa mưa năm 2022 về đồng bằng sông Cửu Long lớn hơn.

  • Dòng chảy từ Trung Quốc: Mùa mưa năm 2022, tổng lượng nước xả từ các đập phía Trung Quốc đạt 17,4 tỷ m3, lớn hơn khoảng 12% so với giá trị cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên có một số thời điểm Trung Quốc tăng cường xả nước gây biến động dòng chảy tương đối lớn ở hạ lưu.

  • Tác động tới Đồng bằng sông Cửu Long: Đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long tuy ở mức thấp hơn TBNN, nhưng cao hơn mức BĐ I và cao hơn khá nhiều so với đỉnh lũ 2 năm gần đây. Lũ từ thượng nguồn về kết hợp với triều cường dâng cao (đỉnh triều biển Đông cao hơn so với mức BĐ III trong khoảng thời gian 08 – 14/10/2022) và thời gian triều cường đạt đỉnh trùng với thời gian xuất hiện đỉnh lũ là nguyên nhân xảy ra tình trạng ngập khá nghiêm trọng trên những khu vực có địa hình thấp, thuộc các tỉnh vùng Giữa ĐBSCL gồm TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, khu vực giữa 2 sông Tiền sông Hậu của tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang. Trong đó nơi ngập sâu nhất thuộc địa bàn TP. Cần Thơ, và tỉnh Vĩnh Long. Theo thống kê của Chi cục phòng, chống thiên tai miền nam, ước tổng thiệt hại do đợt lũ kết hợp với triều cường khoảng 2.129,45 triệu đồng do vỡ đê và ngập cây trồng, nhà cửa nhưng chưa tính đến những thiệt hại khác trong ngập lũ đô thị.

II. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH TÀI NGUYÊN NƯỚC SÔNG MÊ CÔNG MÙA KHÔ NĂM 2023

Dựa trên các kết quả nhận định về diễn biến mưa trên lưu vực sông Mê Công, tình hình sử dụng nước trên lưu vực, tình hình trữ nước của các hồ chứa trên vùng thượng nguồn và chế độ triều Biển Đông và Biển Tây, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tiến hành phân tích, đánh giá và nhận định sơ bộ tình hình tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2023 như sau:

Tổng lượng dòng chảy về đến Tân Châu và Châu Đốc trong mùa khô năm 2022 (từ tháng 1/2023 đến hết tháng 5/2023) đạt từ 67 đến 75 tỷ m3 thấp hơn giá trị TBNN (78 tỷ m3) và giá trị cùng kỳ năm 2022 (84 tỷ m3) nhưng cao hơn mùa khô 2020 (64 tỷ m3).

Tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2023: Tuy tổng lượng dòng chảy về đến Tân Châu và Châu Đốc trong mùa khô không thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm, nhưng trong thời đoạn cuối tháng 2 đến đầu tháng 5 dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long có thể có thời điểm sẽ thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm. Đây cũng là thời điểm triều cao, do vậy:

  • Ranh mặn 1g/l: trên sông Tiền sẽ vào sâu từ 47 km đến 58 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 4km đến 10km; trên sông Hậu sẽ vào sâu từ 45km đến 78km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 7km đến 15km; trên sông Vàm Cỏ Tây sẽ vào sâu từ 75km đến 110km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 8km đến 17km. Tuy nhiên:

  • So với năm 2020 thì các chiều sâu xâm nhập mặn ranh 1g/l sẽ giảm trên các sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ lần lượt khoảng 20-25km, 12-25km và 18-30km tùy theo các tháng.

  • So với năm 2022 thì các chiều sâu xâm nhập mặn ranh 1g/l sẽ tăng trên các sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ khoảng 5-10 km tùy theo các tháng.

  • Ranh mặn 4 g/l: trên sông Tiền sẽ vào sâu từ 43km đến 53km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 4km đến 8km; trên sông Hậu sẽ vào sâu từ 44km đến 65km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 5km đến 10km; trên sông Vàm Cỏ Tây sẽ vào sâu từ 71km đến 98km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 7km đến 13km. Tuy nhiên:

  • So với năm 2020 thì các chiều sâu xâm nhập mặn ranh 4g/l sẽ giảm trên các sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ lần lượt khoảng 8-15km, 11-18km và 17-28km tùy theo các tháng.

  • So với năm 2022 thì các chiều sâu xâm nhập mặn ranh 4g/l sẽ tăng trên các sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ khoảng 5-10km tùy theo các tháng.

(Nhận định về dòng chảy, xâm nhập mặn mùa khô 2023 ở Phụ lục 3)

Như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ lại có thêm một mùa khô thiếu nước nhưng mức độ không trầm trọng như mùa khô năm 2020, nhưng có thể nghiêm trọng hơn hoặc tương đương với mùa khô năm 2021. Diễn biến mặn sẽ thay đổi nhanh theo tình hình dòng chảy từ thượng lưu về, triều cường và sử dụng nước ở trong đồng bằng, do đó các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng mặn, cần theo sát các thông tin giám sát mặn và các bản tin dự báo xâm nhập mặn, để vận hành công trình ngăn mặn phù hợp tranh thủ lấy nước trữ vào trong hệ thống kênh rạch phục vụ sản xuất.

Do nguồn nước trong mùa khô khan hiếm, đề nghị các địa phương lên kế hoạch lấy nước luân phiên cho phù hợp, tránh xảy ra trường hợp khan hiếm nước cục bộ, tạo điều kiện cho mặn xâm nhập sâu vào trong nội đồng.