Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục có xu hướng tăng dần, hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện từ khoảng cuối tháng 5/2023. Lượng mưa ở lưu vực sông Mê Công bắt đầu có xu thế tăng trong đầu mùa mưa, nhưng ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN. Trên lưu vực sông Lan Thương, các hồ đã tích lên khoảng 26% dung tích hữu ích, và theo dự báo sẽ tiếp tục tích nước trong thời gian tới. Hạ lưu vực sông Mê Công, đã xuất hiện những trận mưa lớn đầu mùa, các hồ cũng sẽ tăng dần lượng nước tích. Mực nước các trạm thượng nguồn đang có xu thế tăng, nhưng xu thế tăng không mạnh. Với các điều kiện như trên dòng chảy qua trạm Kra-chê trong nửa cuối tháng 6/2023 có thể sẽ dao động trong khoảng từ 9 tỷ m3 đến 13 tỷ m3 (dòng chảy TBNN cùng kỳ là 13,2 tỷ m3), trong khi lượng nước trữ ở Biển Hồ chỉ có khoảng 1,2 tỷ m3, và dự báo sẽ tiếp tục nhận được dòng chảy từ sông Mê Công khi mực nước ở Phnom Pênh lên cao. Kết hợp các thông tin trên với dự báo triều, tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long trong nửa cuối tháng 6/2023 được nhận định như sau:
Mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu trong nửa cuối tháng 6/2023 biến động chủ yếu theo dao động của thủy triều triều trong khoảng từ 1,3 m đến 1,6 m (Xem Hình dưới).
Hình. Dự báo mực nước lớn nhất tại trạm Tân Châu trong nửa cuối tháng 6/2023
Tổng lưu lượng trung bình ngày tới Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong nửa cuối tháng 6/2023 được nhận định là sẽ biến động trong khoảng 6.900 m3/s đến 14.000 m3/s, ở mức thấp hơn so với năm 2022 (Xem Hình dưới).
Hình. Dự báo lưu lượng tới hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong nửa cuối tháng 6/2023
Tổng lượng dòng chảy trong nửa cuối tháng 6/2023 qua hai trạm này có thể sẽ ở mức từ 10,6 tỷ m3 đến 11,8 tỷ m3, ở mức thấp hơn với giá trị cùng kỳ TBNN từ 5% đến 15% (Xem Hình dưới).
Hình. Dự báo tổng lượng dòng chảy tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong nửa cuối tháng 6/2023