Mùa khô năm 2023 được đánh giá là năm tương đối ít nước, do một số nguyên nhân sau:
– Mưa: Tổng lượng mưa mùa khô năm 2023 vùng Hạ lưu vực sông Mê Công thấp hơn TBNN gần 25%, nhưng tổng lượng mưa vùng châu thổ sông Mê Công lại lớn hơn TBNN tới 20%, do có xuất hiện mưa lớn vào 2 tháng cuối mùa khô đã phần nào bù đắp lượng dòng chảy thiếu hụt vào tháng 4 và tháng 5/2023. Lượng mưa giảm trong các tháng mùa khô tại Lào, Thái Lan làm cho dòng chảy trên dòng chính suy giảm.
– Các hồ chứa vùng Hạ lưu vực sông Mê Công: Thông tin từ các quốc gia ven sông cho thấy các hồ chứa trong vùng đạt khoảng 80-90% dung tích hữu ích trước khi bước vào mùa khô 2023, do mùa lũ năm 2022 trên vùng Hạ lưu vực Mê Công tương đối nhiều nước so với khoảng 10 năm gần đây, đỉnh lũ xuất hiện muộn, cuối mùa lại có những đợt mưa lớn đã cung cấp nước cho các hồ chứa trong vùng. Tuy nhiên vào giai đoạn cuối mùa khô, do mưa ít cùng với nhu cầu sử dụng điện tăng cao, một số hồ chứa đã tăng cường phát điện làm mực nước hồ chứa giảm xuống mực nước chết.
– Sử dụng nước: Như phân tích ở trên, lượng dòng chảy đầu mùa khô trên lưu vực tương đương với giá trị TBNN, các hồ chứa tích đủ nước và lượng mưa không thiếu hụt nhiều so với TBNN nên đảm bảo được nhu cầu sử dụng nước. Tuy nhiên vào cuối mùa khô, lượng mưa suy giảm lại có nắng nóng nên các nhà máy thủy điện tăng cường phát điện làm các hồ cạn kiệt và sau đó hạn chế xả là một trong những nguyên nhân làm mực nước sông Mê Công giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng mười năm vừa qua.
– Biển Hồ: Do năm 2022 dòng chảy ngược vào Biển Hồ bắt đầu khá sớm, lại có đợt lũ vào khoảng giữa tháng 10/2022 nên Biển Hồ đã tích được lượng nước khá lớn. Cuối tháng 11/2022, Biển Hồ trữ khoảng 34 tỷ m3 và nhiều hơn tới gần 20 tỷ m3 so với năm 2019. Đây cũng là nguồn bổ sung quan trọng cho dòng chảy về ĐBSCL của Việt Nam trong mùa khô năm 2023.
– Dòng chảy từ Trung Quốc: Mùa khô năm 2023, tổng lượng nước xả từ các đập thuỷ điện phía Trung Quốc đạt 9,9 tỷ m3, chỉ bằng khoảng 62% so với giá trị cùng kỳ năm 2022, và dòng chảy tương đối ổn định trong cả mùa không có những đợt xả nước gây biến động mạnh như năm 2022. Lượng nước từ thượng nguồn về ít, là một trong những nguyên nhân làm cho tổng lượng dòng chảy ở Chiềng Sẻn thấp hơn TBNN khoảng 40%. Tuy nhiên càng xuống hạ lưu mức độ ảnh hưởng từ sông Lan Thương càng giảm đi. Tại Kra-chê từ tháng 1 đến tháng 3 đầu mùa dòng chảy trên sông Mê Công ở mức tương đương với TBNN do mùa mưa năm 2022 kết thúc muộn và có mưa ở đầu mùa khô. Tuy nhiên trong cuối tháng 4 và tháng 5 dòng chảy tại đây lại xuống mức thấp nhất cùng kỳ trong khoảng 10 năm gần đây do lượng mưa trên lưu vực sụt giảm.
b. Tác động tới đồng bằng sông Cửu Long
Do dòng chảy suy giảm vào cuối mùa khô năm 2023, nên đã dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn ở mức cao vào các tháng cuối mùa khô. Mặc dù vậy, nhờ xuất hiện mưa sớm ở khu vực ĐBSCL nên xâm nhập mặn không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và các hoạt động sản xuất.
II. Nhận định tình hình tài nguyên nước sông Mê Công mùa lũ 2023
a. Các cơ sở để nhận định
– Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục duy trì đến tháng 9/2023 với xác suất khoảng 80-90%, sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 tiếp tục tăng dần và trạng thái El Nino được thiết lập với xác suất 55-65% và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024. Trong mùa mưa bão năm 2023, số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông có khả năng thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ. Mưa trên khu vực Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ diễn biến như sau: trong tháng 8/2023, tổng lượng mưa có xu hướng ở mức cao hơn từ 5-20% so với TBNN; tháng 9 tổng lượng mưa xấp xỉ TBNN và tháng 10/2022, tổng lượng mưa ở mức thấp hơn 10-20% so với TBNN so với cùng kỳ.
– Theo Cục khí tượng thủy văn Thái Lan, mùa mưa năm nay sẽ ít nước hơn TBNN, vùng Đông Bắc Thái Lan tổng lượng mưa giảm 5-7 % trong tháng 8 và tháng 9; đến tháng 10 trở về mức tương đương với TBNN cùng thời kỳ.
– Theo Trung tâm khí tượng chuyên ngành của ASEAN (ASMC) dự báo,
tổng lượng mưa mùa mưa năm 2023 vùng trung và thượng lưu sông Mê Công thấp hơn TBNN khoảng từ 5-10% trong khi đó vùng châu thổ sông Mê Công lại cao hơn TBNN từ 5-10%
– Tình hình trữ nước: Theo các thông tin từ một số tổ chức quốc tế, trong đó có Trung tâm Stimson (Hoa Kỳ), tính đến cuối tháng 6/2023 các hồ chứa trên lưu vực sông Mê Công đạt khoảng 30% tổng dung tích hữu tích, do đó nhiệm vụ tích nước trong đầu mùa lũ cũng sẽ không căng thẳng như năm 2020.
– Dự báo thủy triều: Theo thông tin dự báo của Viện Kỹ thuật biển, trong mùa lũ năm 2023, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ có 02 đợt triều cường ở mức cao vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 và tuần cuối của tháng 10/2023, có thể ảnh hưởng đến đỉnh lũ năm 2022.
b. Các nhận định
Dựa trên các kết quả dự báo về diễn biến mưa trên Lưu vực sông Mê Công, nhận định tình hình sử dụng nước trên lưu vực và chế độ triều Biển Đông và Biển Tây, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sơ bộ nhận định tình hình tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa lũ năm 2023 sẽ ở mức TBNN cụ thể như sau:
Mực nước lũ tại trạm Tân Châu dự báo sẽ đạt đỉnh vào khoảng nửa đầu tháng 10/2023, ở mức 3,3 – 3,6 m, (Mức báo động 1 ở Tân Châu là 3,5m).
Tổng lưu lượng đến Việt Nam qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc dự báo sẽ đạt đỉnh ở mức từ 25.000 đến 30.000 m3/s, tổng lượng dòng chảy mùa lũ 2023 dự kiến sẽ đạt khoảng 240 đến 290 tỷ m3 thấp hơn so với TBNN và năm 2022 lần lượt từ 5-10% và từ 7-20%
Mặc dù mực nước lũ không quá cao, nhưng vẫn có khả gây ngập cho một số diện tích trồng lúa ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên do đó các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến trong mùa lũ để có biện pháp phòng tránh. Ngoài ra, sẽ có hiện tượng ngập lụt cục bộ do mưa lớn và ngập do triều cường, cần chủ động phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại.