Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công
Sông Mê Công là một trong những dòng sông lớn nhất trên thế giới. Với tổng lượng dòng chảy bình quân năm lớn và độ dốc lòng sông cao, sông Mê Công có tiềm năng rất lớn để phát triển thủy điện (khoảng 53.900 MW, trong đó phần thượng lưu sông Mê Công là 23.000 MW và phần hạ lưu vực là 30.900 MW.
Hiện nay, trước nhu cầu sử dụng điện năng cho phát triển kinh tế – xã hội ngày càng gia tăng, các quốc gia ven sông đã và đang thúc đẩy quá trình xem xét, đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và xem đây là một giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Ở thượng nguồn sông Mê Công, Trung Quốc lập kế hoạch xây dựng 22 công trình thủy điện trên sông Lan Thương, trong khi ở vùng hạ lưu sông Mê Công, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan cũng có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính, trong đó Lào có 7 công trình, Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới hai nước, và Campuchia có 2 công trình.
Các kế hoạch phát triển thủy điện trên đây đã gây ra mối quan ngại sâu sắc về tác động của bậc thang thủy điện dòng chính tới vùng Châu thổ sông Mê Công của Campuchia và Việt Nam. Vì lý do đó, từ năm 2013-2015, Chính phủ Việt Nam với sự tham gia của Chính phủ Campuchia và Lào đã tiến hành “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công”. Mục tiêu chính của Nghiên cứu là đánh giá các biến động lên chế độ dòng chảy của việc xây dựng và vận hành bậc thang thủy điện dòng chính, và tác động do các thay đổi đó tới môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội trên các vùng thuộc Châu thổ Mê Công của Việt Nam và Campuchia.
Hướng tiếp cận về đánh giá tác động của Nghiên cứu dựa trên các tiêu chuẩn, các nguyên tắc và kinh nghiệm được quốc tế chấp nhận rộng rãi, như của Tổ chức quốc tế về đánh giá tác động môi trường. Các chỉ dẫn đã được kiến nghị bởi Tổ chức quốc tế về đánh giá tác động môi trường, Luật về Chính sách môi trường của Liên hợp quốc, Tiêu chuẩn về tính bền vững môi trường xã hội của Ngân hàng Thế giới. Nghiên cứu cũng sử dụng các nguồn số liệu tốt nhất hiện có và các phương pháp phân tích khoa học đã được kiểm nghiệm để tính toán và lượng hóa các tác động.
Ba phương án phát triển thủy điện đã được xây dựng nhằm xem xét tất cả các tác động tiềm tàng của các quy mô phát triển bậc thang thủy điện dòng chính vùng Hạ lưu vực sông Mê Công. Ngoài ra, bốn phương án phụ cũng được bổ sung nhằm xác định các tác động xuyên biên giới cho một số nhóm đập thủy điện dòng chính nhất định. Nghiên cứu tập trung đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính lên các yếu tố của môi trường nước là: chế độ dòng chảy thủy văn và thủy lực, chất lượng nước (dinh dưỡng, xâm nhập mặn …), phù sa bùn cát và tính kết nối dòng chảy; và lên sáu lĩnh vực môi trường, kinh tế xã hội có liên quan là: thủy sản, đa dạng sinh học, giao thông thủy, nông nghiệp, kinh tế xã hội (sinh kế và giá trị kinh tế) vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tóm tắt kết quả đánh giá tác động của bậc thang thủy điện dòng chính dự kiến xây dựng ở Hạ lưu vực sông Mê Công tới các lĩnh vực kinh tế xã hội và môi trường sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long như sau:
Đối với chế độ dòng chảy và xâm nhập mặn: Tổng lượng dòng chảy trong mùa khô về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị sụt giảm mạnh trong thời đoạn ngắn, có thể thấp hơn trung bình tới 45%; trong khi tác động trong mùa lũ là khá nhỏ. Do thiếu nước trong mùa khô, diện tích bị xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng khoảng 400.000 ha (tăng 15%).
Đối với phù sa bùn cát: Do bị các đập thủy điện giữ lại, nên tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị sụt giảm rất mạnh, mất hơn 90% lượng phù sa bùn cát nguyên thủy của dòng sông tự nhiên trước đây, trong đó các đập của Trung Quốc đã chiếm hơn 50%. Do phù sa bùn cát không về được Đồng bằng sông Cửu Long nên các chất dinh dưỡng theo phù sa cần thiết cho phát triển nông nghiệp cũng bị sụt giảm mạnh tương ứng.
Đối với nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học: Nguồn lợi thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các loài di cư, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với mức sụt giảm khoảng 44% (tương đương khoảng 305 nghìn tấn). Hơn 10% tổng số loài cá sẽ bị mất vĩnh viễn. Về đa dạng sinh học, năng suất sinh học vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được đánh giá có mức độ phong phú thứ hai thế giới sau lưu vực sông A-ma-dôn, sẽ bị sụt giảm tới 40% và một số loài động vật quý hiếm sẽ bị tuyệt chủng hoặc không quay lại Việt Nam.
Đối với nông nghiệp: Do thiếu nước và gia tăng xâm nhập mặn, sụt giảm nguồn phù sa màu mỡ của sông Mê Công, sản lượng nông nghiệp (chủ yếu là lúa gạo) sẽ giảm hơn 600.000 tấn/năm và sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Các tác động khác: Do chế độ vận hành của các công trình thủy điện, nên trong mùa khô điều kiện giao thông thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng. Đời sống người dân phụ thuộc vào nguồn nước sông Mê Công cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt trong mùa khô, do gia tăng xâm nhập mặn và thiếu nước. Ước tính tới 7 triệu người sẽ bị ảnh hưởng.
Có thể thấy, đối với Châu thổ Mê Công, an ninh lương thực, sức khỏe và kinh tế của người dân địa phương gắn chặt với sự toàn vẹn của môi trường tự nhiên xung quanh. Vì vậy, phát triển thủy điện dòng chính ở Hạ lưu vực sông Mê Công, nếu không có các biện pháp phòng tránh, có thể gây ra các tổn thất lâu dài và không thể sửa chữa phục hồi được đối với vùng đồng bằng ngập lũ và môi trường thủy sinh, và cũng làm suy giảm mạnh các điều kiện kinh tế xã hội của hàng triệu người dân trong vùng và tạo ra các gánh nặng về kinh tế xã hội lên các nền kinh tế địa phương và vùng. Hơn nữa, với việc nhìn nhận đồng bằng châu thổ sông Mê Công là một hệ thống tài nguyên duy nhất và là di sản tầm quốc gia và quốc tế, bậc thang thủy điện dòng chính cũng sẽ làm thay đổi hoàn toàn và vĩnh viễn hệ thống thiên nhiên này dẫn tới tình trạng suy thoái tất cả các giá trị hiện có của Châu thổ.
Kết quả của Nghiên cứu này là cơ sở để các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng các giải pháp phòng chống, giảm nhẹ và thích ứng cho Đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của các dự án phát triển thủy điện dòng chính sông Mê Công; triển khai các chương trình nhằm tiếp tục theo dõi các diễn biến và đánh giá tác động của các hoạt động phát triển tài nguyên nước ở phía thượng nguồn. Ngoài ra, kết quả của Nghiên cứu cũng là cơ sở khoa học để Việt Nam và các quốc gia thành viên Ủy hội thảo luận trong quá trình tham vấn về các đề xuất dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công; và hỗ trợ Ủy hội sông Mê Công quốc tế (số liệu, phương pháp và công cụ đánh giá tác động) hoàn thành Nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả tác động của các dự án thủy điện dòng chính.