Sau khi Hiệp định Geneva lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, tháng 9 năm 1957 các quốc gia Hạ lưu vực sông Mê Công (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã cùng nhau xem xét và thông qua Điều lệ và thống nhất thành lập Uỷ ban phối hợp nghiên cứu khảo sát Hạ lưu vực sông Mê Công (Ủy ban Mê Công), tiền thân của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế ngày nay, nhằm khai thác, khuyến khích và phối hợp phát triển tổng hợp Hạ lưu vực sông Mê Công.
Uỷ ban tập trung vào huy động các nguồn vốn và kỹ thuật từ các quốc gia tài trợ và các tổ chức quốc tế cho các nghiên cứu khảo sát, đầu tư. Đặc biệt năm 1970, Quy hoạch chỉ đạo đã được nghiên cứu và vẫn được các Chương trình Mê Công kế thừa sau này.
Tháng 01 năm 1975, các quốc gia Hạ lưu đã thông qua Tuyên bố chung về các nguyên tắc sử dụng nước hạ lưu vực sông Mê Công, là mốc quan trọng trong tiến trình phát triển thể chế hợp tác Mê Công được quốc tế đánh giá cao.
Từ năm 1978-1990, Campuchia không tham gia hợp tác Mê Công do tình hình bất ổn chính trị trong nước nên ba quốc gia còn lại (Lào, Thái Lan và Việt Nam) thành lập Uỷ ban Lâm thời Mê Công. Trong giai đoạn quá độ này, với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Uỷ ban Lâm thời đã tích cực đẩy mạnh hợp tác Mê Công trong khi chờ đợi sự trở lại của Campuchia.
Năm 1991 đánh dấu sự tham gia hợp tác Mê Công trở lại của Campuchia. Trước nhu cầu sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công ngày càng gia tăng cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu cấp bách về tăng cường hợp tác quản lý, phát triển bền vững và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên khác trong lưu vực sông Mê Công, trong bối cảnh Liên hợp quốc cũng đang triển khai xây dựng Khung thể chế về hợp tác giữa các quốc gia ven sông trong việc sử dụng, quản lý và bảo vệ các nguồn nước quốc tế (Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế vào mục đích phi giao thông thuỷ), bốn quốc gia hạ lưu vực sông Mê Công đã đồng ý xây dựng Khung hợp tác mới.
Trải qua gần 4 năm đàm phán (1991-1994), với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, ngày 5 tháng 4 năm 1995, tại Chiềng Rai, Thái Lan, đại diện có thẩm quyền của bốn quốc gia ven sông thuộc Hạ lưu vực sông Mê Công gồm Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã lập một dấu ấn lịch sử bằng việc ký kết Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công (Hiệp định Mê Công 1995) và Nghị định thư về việc thành lập Ủy hội sông Mê Công quốc tế.
Uỷ hội sông Mê Công quốc tế có vai trò chủ yếu là “Thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác và điều phối phối hợp trong việc phát triển mọi tiềm năng vì lợi ích bền vững của tất cả các quốc gia ven sông và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nước trong lưu vực sông Mê Công…”.
Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công và sự ra đời của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế đã phản ánh nhận thức và cam kết mới của cả bốn quốc gia thành viên trước những biến đổi về chính trị và kinh tế – xã hội trong khu vực hướng tới xây dựng một khuôn khổ hợp tác mới trong Uỷ hội sông Mê Công quốc tế theo “tinh thần Hợp tác Mê Công”.
Uỷ hội sông Mê Công quốc tế gồm có 3 cấp là Hội đồng, Uỷ ban Liên hợp và Ban Thư ký.
Hội đồng gồm một ủy viên ở cấp Bộ và là thành viên nội các từ mỗi quốc gia thành viên. Chức năng chính của Hội đồng là ra các chính sách, quyết định và chỉ đạo nhằm thúc đẩy hợp tác và thực hiện Hiệp định. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam, hiện là Uỷ viên Hội đồng Uỷ hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam.
Uỷ ban Liên hợp bao gồm một ủy viên của mỗi quốc gia thành viên, ở cấp lãnh đạo Cục/Vụ. Uỷ ban Liên hợp thực hiện các quyết định và chỉ đạo của Hội đồng, chỉ đạo xây dựng và cập nhật quy hoạch phát triển lưu vực, giám sát hoạt động của Ban Thư ký và vận động tài trợ…. Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam hiện là Uỷ viên Uỷ ban Liên hợp Uỷ hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam.
Ban Thư ký Ủy hội là cơ quan thường trực giúp Hội đồng và Uỷ ban Liên hợp về hành chính và kỹ thuật và được đặt dưới sự giám sát của Uỷ ban Liên hợp.
Ban Thư ký Uỷ hội có trụ sở hoạt động ở Thủ đô Viên Chăn, CHDCND Lào. Ngoài ra, Ban Thư ký Ủy hội còn có Trung tâm quản lý lũ và hạn vùng tại Thủ đô Phnom Pênh, Vương quốc Campuchia.
Trụ sở của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế tại Viên Chăn, Lào
Tầm nhìn của lưu vực sông Mê Công là “Một lưu vực sông Mê Công thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và lành mạnh về môi trường”.
Tầm nhìn của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế là “Một tổ chức lưu vực sông quốc tế có tầm cỡ thế giới, tự chủ về tài chính, nhằm giúp các quốc gia thành viên đạt được tầm nhìn của lưu vực”.
Nhiệm vụ của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế là “Thúc đẩy và điều phối hoạt động phát triển và quản lý bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan vì lợi ích chung của các quốc gia thành viên và phúc lợi của người dân”.
Trải qua 26 năm hình thành và phát triển với 5 Kế hoạch Chiến lược cho các giai đoạn: 2001-2005, 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020 và 2021-2025 được thông qua và triển khai thực hiện, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng trong quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của sông Mê Công. Cụ thể:
Thông qua Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho các giai đoạn: 2011-2015, 2016-2020 và 2021-2030 và các Chiến lược ngành cho hầu hết các lĩnh vực hợp tác của Ủy hội như môi trường, thủy sản, lũ, hạn, thủy điện, giao thông thủy, biến đổi khí hậu…
Hoàn thành xây dựng bộ quy chế sử dụng nước, bao gồm 05 Thủ tục: Trao đổi và Chia sẻ thông tin số liệu; Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận; Giám sát sử dụng nước; Duy trì dòng chảy trên dòng chính; và Chất lượng nước; và các hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện các quy chế này. Đặc biệt, Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận đã giúp Ủy hội triển khai rất hiệu quả quá trình tham vấn cho các Dự án thủy điện dòng chính sông Mê Công.
Nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giám sát số lượng và chất lượng nước; giám sát nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và vận chuyển phù sa bùn cát trên dòng chính sông Mê Công.
Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan cho toàn lưu vực và bộ công cụ phân tích, đánh giá và lựa chọn các kịch bản phát triển của lưu vực.
Hoàn thành “Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả tác động của các dự án thủy điện dòng chính” (2015-2017), góp phần tạo căn cứ khoa học cho việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động phát triển lưu vực của các quốc gia ven sông.
Tăng cường tính tự chủ của Ủy hội sông Mê Công quốc tế cả về tài chính và kỹ thuật thông qua chính sách tăng mức đóng góp hằng năm của các quốc gia thành viên, chuyển giao các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông cho các quốc gia thực hiện và thay thế cán bộ của Ban thư ký Ủy hội là người quốc tế bằng cán bộ là người ven sông.
Tăng cường đối thoại giữa các quốc gia thành viên Ủy hội và giữa Ủy hội với các Đối tác Đối tác Đối thoại, Đối tác Phát triển, các cơ chế hợp tác vùng (Mê Công-Lan Thương, Mê Công-Mỹ, Mê Công-Nhật Bản, Mê Công-Hàn Quốc…) để tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động của hợp tác Mê Công.
Trước năm 2010, Hội nghị cao cấp nhất của Ủy hội sông Mê Công quốc tế là các Phiên họp Hội đồng (cấp Bộ trưởng). Tuy nhiên, trong bối cảnh Lưu vực sông Mê Công đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ký Hiệp định Mê Công 1995 và đang đứng trước nhiều thách thức to lớn do biến đổi khí hậu, sự gia tăng sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan cho mục tiêu phát triển kinh tế của các quốc gia trong lưu vực, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất tổ chức các Hội nghị Cấp cao (cấp Thủ tướng Chính phủ) nhằm: (1) tái khẳng định cam kết chính trị cao nhất đối với hợp tác Mê Công; (2) đánh giá nỗ lực trong quản lý, sử dụng và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công; (3) định hướng hoạt động ưu tiên cho thời gian tiếp theo. Hội nghị Cấp cao, được tổ chức 4 năm một lần, đã được Ủy hội tổ chức vào các năm 2010, 2014 và 2018.
Tham dự Hội nghị Cấp cao, ngoài Đoàn đại biểu của bốn quốc gia thành viên Ủy hội còn có đại diện cấp cao của Trung Quốc và Mi-an-ma, các Đối tác phát triển, các tổ chức lưu vực sông quốc tế khác trên thế giới, và các tổ chức xã hội và cộng đồng trong lưu vực.
4.1 Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất Ủy hội sông Mê Công quốc tế được tổ chức vào ngày 5 tháng 4 năm 2010 tại Hủa Hỉn, Thái Lan với chủ đề “Đáp ứng các nhu cầu, duy trì sự cân bằng: Vì sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mê Công”. Các kết quả chính của Hội nghị bao gồm:
– Thông qua Tuyên bố Hủa Hỉn, trong đó ghi nhận các thành tựu to lớn của Uỷ hội đã đạt được trong 15 năm kể từ khi thành lập và khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác trong thực hiện Hiệp định Mê Công 1995.
– Khẳng định lại tầm nhìn của Lưu vực sông Mê Công, tầm nhìn và sứ mệnh của Ủy hội sông Mê Công quốc tế cho giai đoạn tiếp theo.
– Xác định Lưu vực sông Mê Công đang phải đối mặt với các khó khăn, thách thức của sự gia tăng sử dụng nước và biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp tới mục tiêu phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công.
– Xác định các lĩnh vực và hoạt động ưu tiên của Ủy hội nhằm đối phó với các thách thức của Lưu vực, bao gồm phê chuẩn và thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; thúc đẩy thực hiện các Thủ tục sử dụng nước; tăng cường các nỗ lực để bảo vệ hiệu quả người dân khỏi nguy cơ lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng; xem xét tính bền vững trong phát triển thuỷ điện; nghiên cứu áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sử dụng nước hiệu quả và quản lý sự suy giảm chất lượng nước; tăng cường quản lý hiệu quả nguồn thuỷ sản tự nhiên; hạn chế các rủi ro của các hoạt động giao thông thủy; và tăng cường và củng cố quan hệ với các Đối tác đối thoại (Trung Quốc và Mi-an-ma), các Đối tác phát triển, các Cơ chế hợp tác vùng và các bên liên quan khác.
– Đề ra định hướng lớn cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong giai đoạn tới, đó là tăng cường tính tự chủ của Ủy hội sông Mê Công quốc tế cả về tài chính và kỹ thuật, hướng tới một Uỷ hội sông Mê Công quốc tế hoàn toàn tự chủ về tài chính vào năm 2030.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam coi trọng hợp tác Mê Công và luôn tham gia tích cực, chủ động và xây dựng trong các hoạt động của Ủy hội. Việt Nam cam kết sẽ phối hợp với các nước trong việc thực hiện các tầm nhìn của Uỷ hội, thực hiện đầy đủ Hiệp định Mê Công, thúc đẩy hợp tác với các đối tác chiến lược, tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác Mê Công nhằm chung sức xây dựng sông Mê Công không chỉ là dòng sông kết nối các nền văn hoá, dòng sông của tình đoàn kết và hữu nghị mà còn là dòng sông của hợp tác, phát triển và hội nhập”.
4.2 Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế được tổ chức vào ngày 5 tháng 4 năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam với chủ đề: “An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Lưu vực sông Mê Công”. Các kết quả chính của Hội nghị bao gồm:
– Thông qua Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết giữa các thành viên và cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực Mê Công năm 1995 và các quy định, thủ tục của Ủy hội.
– Ghi nhận các thành tựu mà Ủy hội đã đạt được trong thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn, bao gồm việc đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực thông qua việc xây dựng và triển khai các Kế hoạch hành động của quốc gia và vùng; tăng cường xây dựng và thực hiện các Thủ tục sử dụng nước, đặc biệt là đã thông qua Thủ tục Chất lượng nước và thực hiện Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thoả thuận nhằm hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp đối với các đề xuất dự án phát triển tài nguyên nước trong Lưu vực Mê Công; thúc đẩy nhanh quá trình ven sông hóa cán bộ Ban Thư ký và Lộ trình chuyển giao một số chức năng quản lý lưu vực sông cho các quốc gia thành viên thực hiện; tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các tổ chức lưu vực sông quốc tế và các tổ chức quốc tế, đặc biệt đã thiết lập quan hệ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ủy hội sông Mít-si-si-pi.
– Xác định Lưu vực sông Mê Công không chỉ phải đối mặt với khó khăn, thách thức của sự gia tăng sử dụng nước và biến đổi khí hậu, mà còn phải đối mặt với thách thức đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và an ninh năng lượng trước áp lực gia tăng dân số và yêu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao của các quốc gia trong lưu vực.
– Xác định các lĩnh vực và hoạt động ưu tiên của Ủy hội nhằm đối phó với các thách thức của Lưu vực, bao gồm tiếp tục thực hiện các cam kết trong Tuyên bố Hủa Hỉn, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu về “Phát triển và Quản lý bền vững sông Mê Công bao gồm những tác động của các công trình thủy điện dòng chính” để đưa ra các khuyến cáo và các khuyến nghị phù hợp cho phát triển bền vững trong lưu vực.
– Cam kết tiếp tục tăng cường vai trò và năng lực của Ủy hội sông Mê Công quốc tế cả về kỹ thuật và tài chính, hướng tới mục tiêu quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng trong lưu vực sông Mê Công.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: “Để con sông mãi mãi là tài sản chung vô giá của các thế hệ hôm nay và mai sau, tôi tin tưởng rằng, thông qua hợp tác, đối thoại “trên tinh thần hợp tác Mê Công”, chúng ta sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường”.
4.3 Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê công quốc tế được tổ chức vào ngày 5 tháng 4 năm 2018 tại Thành phố Siêm Riệp, Campuchia với chủ đề: “Tăng cường các nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mê Công”. Các kết quả chính của Hội nghị bao gồm:
– Thông qua Tuyên bố Siêm Riệp, trong đó tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mê Công và cam kết chính trị cao nhất trong việc thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực Mê Công năm 1995 và các quy định, thủ tục của Ủy hội.
– Ghi nhận các thành tựu quan trọng mà Ủy hội đã đạt được từ triển khai thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn và Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là đã hoàn thành Nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công, góp phần tạo căn cứ khoa học cho việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động phát triển lưu vực của các quốc gia ven sông; thông qua a Chiến lược và Kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu và Chiến lược quản lý và phát triển thủy sản trên toàn lưu vực; hoàn thành cải tổ bộ máy Ban Thư ký của Uỷ hội theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; thống nhất công thức đóng góp niên liễm hàng năm của các quốc gia thành viên theo hướng đều nhau và hướng đến mục tiêu Ủy hội tự chủ về tài chính vào năm 2030; tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các tổ chức lưu vực sông quốc tế và các tổ chức quốc tế trong khu vực.
– Xác định các thách thức to lớn vẫn đang tồn tại trong lưu vực, bao gồm tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, nhu cầu ngày càng cao về nước, lương thực và năng lượng, đô thị hóa, công nghiệp hóa, suy giảm các giá trị môi trường, suy thoái đất ngập nước và thuỷ sản tự nhiên, phá rừng, lũ lụt, hạn hán và các rủi ro đối với đa dạng sinh học, sinh kế và tài sản của người dân.
– Xác định các hoạt động ưu tiên của Ủy hội trong 4 năm tới cũng như định hướng lâu dài cho hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội, trong đó tập trung vào việc tối ưu hoá các cơ hội phát triển và giải quyết các thách thức thông qua một quá trình tổng hợp toàn diện và đa ngành trên toàn lưu vực; tăng cường thực hiện các Thủ tục của Uỷ hội; lồng ghép các sản phẩm của Ủy hội vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của vùng và quốc gia; tăng cường các mạng lưới quan trắc trên toàn lưu vực; tiếp tục thực hiện các Lộ trình chuyển giao các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông; tăng cường và mở rộng hợp tác hơn nữa với các Đối tác Đối thoại, các Đối tác Phát triển và các đối tác khác trong khuôn khổ các sáng kiến khu vực và quốc tế.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Thực hiện chủ đề “Một Mê Công, một tình thần chung” của Hội nghị hôm nay, chung ta hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác để sông Mê Công mãi là dòng chảy của hòa bình, là kết nối sinh tồn bền vững, thịnh vượng đến muôn đời của các quốc gia, người dân trong lưu vực”.