Trong bối cảnh lưu vực sông Mê Công đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng do tình hình tăng cường khai thác sử dụng nước và hiện tượng biển đổi khí hậu càng rõ nét trên toàn lưu vực, xu thế gia tăng hợp tác và phát triển của khu vực, các siêu cường liên tục tăng cường ảnh hưởng tại khu vực địa chính trị quan trọng này, nhiều cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công liên quan tới tài nguyên nước đã được đề xuất và có nhiều bước phát triển quan trọng trong thời gian qua. Các cơ chế hợp tác tiểu vùng chính có lĩnh vực/trụ cột hợp tác về tài nguyên nước sông Mê Công gồm:
Hợp tác Mê Công – Lan Thương
Hợp tác Mê Công – Lan Thương (MLC), với sự tham gia của sáu nước ven sông là Việt Nam, Campuchia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Trung Quốc, được thành lập tại Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất (tháng 3/2016 tại Tam Á, Trung Quốc) với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai”. Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố Tam Á “Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mê Công – Lan Thương” nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các nước vì lợi ích chung và tầm quan trọng của sông Mê Công với sự phát triển của Tiểu vùng và cuộc sống của người dân. Tuyên bố xác định khuôn khổ hợp tác trên ba trụ cột về (i) chính trị và an ninh; (ii) kinh tế và phát triển bền vững; (iii) xã hội, văn hóa và giao lưu con người với các phương hướng ưu tiên là kết nối, nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp và nỗ lực xóa đói giảm nghèo.
Đây là cơ chế hợp tác đầu tiên về tài nguyên nước toàn lưu vực có sự tham gia của tất cả các quốc gia ven sông. Do vậy, MLC sẽ là kênh đối thoại mới với Trung Quốc và các quốc gia Mê Công về vấn đề quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, thúc đẩy các quốc gia thượng nguồn chia sẻ thông tin, công khai hóa các dự án phát triển trên sông Mê Công. MLC cũng chú trọng đảm bảo an ninh nguồn nước, tăng cường hợp tác trong quản lý dòng sông xuyên biên giới và đây là ưu tiên cao nhất không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước thành viên khác.
Kể từ khi thành lập đến nay, cơ chế hợp tác MLC đã tổ chức ba Hội nghị Cấp cao (2 năm một lần) và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hằng năm.
Đối với lĩnh vực hợp tác tài nguyên nước, Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương lần thứ nhất đã được tổ chức vào tháng 12 năm 2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Việt Nam đã tham gia tích cực trong việc thúc đẩy thành lập Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương; triển khai thực hiện Kế hoạch hành động 5 năm hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương (2018-2022); thực hiện Chương trình công tác hằng năm; đề xuất các dự án ưu tiên; cử cán bộ kỹ thuật tham gia các hội thảo khoa học và các khóa đào tạo do Trung Quốc tổ chức và chuyên gia sang làm việc ngắn hạn tại Trung tâm. Thực hiện kinh phí của Quỹ đặc biệt hợp tác Mê Công – Lan Thương, Dự án “Tăng cường năng lực quản lý hạn hán, lũ lụt trên lưu vực Mê Công” do Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đã được Trung Quốc phê duyệt và dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào năm 2021.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương lần thứ nhất, Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương đã ký Thỏa thuận hợp tác với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Đây là thỏa thuận hợp tác đầu tiên giữa MLC với một cơ chế hợp tác khác. Thỏa thuận sẽ giúp cho một số lĩnh vực hợp tác chính như trao đổi dữ liệu và thông tin, giám sát toàn lưu vực, đánh giá chung về tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan ở sông Mê Công được hiệu quả hơn.
Từ tháng 11/2020 Trung Quốc đã chia sẻ số liệu thủy văn cả năm cho các quốc gia hạ nguồn và Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế về số liệu mực nước theo chế độ giờ và mưa tại hai trạm thủy văn Cảnh Hồng và Mãn An.
Quan hệ đối tác Mê Công – Mỹ
Từ năm 2009, Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công (LMI) giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Mê Công bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Mi-an-ma (tham gia từ năm 2012) đã được thành lập và có lĩnh vực hợp tác về tài nguyên nước. LMI được xây dựng thành một diễn đàn để các đối tác tham gia LMI có thể cùng nhau đưa ra các giải pháp chung cho các thách thức phát triển xuyên biên giới ở khu vực. Cơ chế hợp tác LMI đã nâng cấp thành Quan hệ đối tác Mê Công – Mỹ tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ nhất Quan hệ đối tác Mê Công – Mỹ (Mekong-US Partnership). Bên cạnh Mekong-US Partnership, các nước cũng đã thành lập cơ chế hợp tác giữa các nước và những người bạn (FLM), bao gồm các nước Ốt-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, New Zealand, ADB và WB.
Hiện nay, Quan hệ đối tác Mê Công – Mỹ đã và đang triển khai một số sáng kiến và hoạt động hợp tác nổi bật sau:
Tại Việt Nam, đại diện của Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam tham gia vào Nhóm công tác về Môi trường và Nước với vai trò là đồng chủ trì các Phiên họp thường niên của Nhóm từ 2011 đến nay và tiếp tục có nhiều đóng góp cho hoạt động của Nhóm, đặc biệt trong xây dựng Sáng kiến chia sẻ số liệu tài nguyên nước Mê Công.
Hợp tác Mê Công – Nhật Bản
Khuôn khổ hợp tác Mê Công – Nhật Bản được thực hiện từ năm 2007 trên cơ sở triển khai các lĩnh vực hợp tác như phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), bảo vệ môi trường và an ninh nguồn nước sông Mê Công… Các kết quả hợp tác đã được Nhật Bản cũng như các nước lưu vực Mê Công đánh giá cao, đã đạt được kết quả tích cực trong thời gian qua.
Trong khuôn khổ hợp tác Mê Công – Nhật Bản, một trong số sáng kiến hợp tác trọng tâm là Sáng kiến Mê Công xanh (Green Mekong Initiative) và Sáng kiến hợp tác kinh tế và công nghiệp Mê Công – Nhật Bản. Đối với Sáng kiến Mê Công xanh hướng tới đẩy mạnh hợp tác đa dạng sinh học về quản lý nguồn nước, giải quyết các vấn đề môi trường liên quan tới sự phát triển vùng. Trong những năm gần đây, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế đã nhận được hỗ trợ của phía Nhât Bản cho một số hoạt động về quản lý lũ và hạn, nông nghiệp và tưới, và hoạt động tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ và hạn trong giai đoạn 2020-2023.
Hợp tác Mê Công – Hàn Quốc
Tại Hội nghị Bộ trưởng Mê Công – Hàn Quốc lần thứ nhất (tháng 11/2011), Hàn Quốc bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác, phát triển với các nước khu vực Mê Công. Tại Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Sông Hàn” về thiết lập “Quan hệ đối tác toàn diện giữa các nước Mê Công và Hàn Quốc vì thịnh vượng chung”, theo đó xác định mục tiêu, nguyên tắc và định hướng cho hợp tác tương lai giữa các nước Mê Công và Hàn Quốc. Các lĩnh vực ưu tiên của hợp tác là kết nối ASEAN, phát triển bền vững và phát triển nguồn nhân lực.
Sau một thời gian hợp tác, kể từ năm 2019, hợp tác Mê Công – Hàn Quốc đã được nâng lên tầm cao mới, lần đầu tiên Hội nghị Cấp cao Mê Công – Hàn Quốc đã được tổ chức và Trung tâm quản lý nguồn nước Mê Công – Hàn Quốc do phía Hàn Quốc đề xuất đã được thành lập.
Trong xu thế tăng cường hợp tác, lĩnh vực quản lý tài nguyên nước hiện là một trong các ưu tiên của hợp tác Mê Công – Hàn Quốc. Năm 2019, Quỹ hợp tác Mê Công – Hàn Quốc đã thông báo tài trợ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường Dự án “Tăng cường các tổ chức sử dụng nước để nâng cao năng lực tưới tiêu phục vụ phát triển nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Bên cạnh đó hai Bên cũng thúc đẩy hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu chung về nguồn nước Mê Công – Hàn Quốc, và thực hiện bản Ghi nhớ hợp tác giữa Uỷ hội sông Mê Công quốc tế và Tập đoàn nước của Hàn Quốc (K-Water).
Hợp tác sông Mê Công – Ấn Độ
Triển khai chính sách Hướng Đông từ năm 1989, Ấn Độ đã tích cực tăng cường hợp tác với khu vực Mê Công và ASEAN. Đến năm 2000, Hợp tác Mê Công – sông Hằng (GMC) được thông qua tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao sáu nước Campuchia, Ấn Độ, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam. Mục tiêu của GMC là củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước thuộc lưu vực sông Mê Công và sông Hằng thông qua 4 lĩnh vực hợp tác chính là du lịch, văn hoá, giáo dục và kết nối giao thông.
Đối với lĩnh vực hợp tác tài nguyên nước, một số hoạt động như tổ chức hội thảo, trao đổi kỹ thuật đã được xây dựng và sớm đưa vào thực hiện.