Lưu vực sông Sê San
Vị trí địa lý và hệ thống sông suối
Sông Sê San là sông nhánh bờ trái của sông Mê Công, bắt nguồn từ phần phía Bắc cao nguyên Gia Lai – Kon Tum, chảy trên lãnh thổ hai nước Việt Nam và Campuchia và nhập vào sông Srêpốk gần Stung Treng
Lưu vực sông Sê San – Srêpốk (trên lãnh thổ Việt Nam và Campuchia) hợp cùng lưu vực sông Sê Công (trên lãnh thổ Việt Nam, Lào và Campuchia) là một phần quan trọng của lưu vực sông Mê Côngđóng góp tới 40% tổng lượng nước của toàn lưu vực.
Lưu vực Sông Sê San phía Việt Nam có diện tích 11.465 km². Phía Bắc giáp lưu vực sông Thu Bồn; phía Nam giáp lưu vực sông Ba, IaĐrang; phía Đông giáp các lưu vực sông Trà Khúc, sông Ba; phía Tây là biên giới Lào và Campuchia.
Sông Sê San có hai chi lưu là Krông Pôkô ở phía hữu ngạn và Đắk Bla phía tả ngạn. Sông Đắk Bla có diện tích lưu vực là 2.968 km² và chiều dài là 123,4 km. Sông Krông Pôkô có diện tích lưu vực là 3.230km² với chiều dài sông là 125,6 km.
Hành chính
Lưu vực sông Sê San gồm lãnh thổ của 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, trong đó nằm trên địa phận của Kon Tum 8.423,5 km2 ( 87,61% diện tích toàn tỉnh ), Gia Lai 3.196,6 km2 ( 20,63% diện tích toàn tỉnh ) gồm đất đai của 14 huyện, thị, thành phố là: Đắc Glêi, Đăc Tô, Tu Mơ Rông, Đắc Hà, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Plong, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum (Kon Tum); Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ, Đắc Đoa và thành phố Plêi ku (Gia lai).
Dân số
Theo tổng điều tra dân số năm 2018 lưu vực sông Sê San có 959.195 người thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai với số dân lần lượt là 494.463 và 464.731 người.
Dân tộc
Trên lưu vực sông Sê San có 37 dân tộc sinh sống, trong đó người Kinh chiếm tới 50%, còn lại là các dân tộc thiểu số Gia Rai (17%), Xê Đăng (12%), Ba Na (9%) và Tày, Thái, Nùng…Kinh tế
Quy mô tổng sản phẩm (GRDP) trên lưu vực sông Sê San (năm 2017) là khoảng 34.132 tỷ đồng (chiếm 29,17% GRDP toàn lưu vực sông 2S). Trong đó, ngành Nông, lâm thuỷ sản chiếm 10.023 tỷ đồng (29,37%), ngành Công nghiệp chiếm 5.010 tỷ đồng (14,68%), ngành xây dựng chiếm 3.154 tỷ đồng (9,24%), ngành dịch vụ chiếm 14.254 tỷ đồng (41,76%) và thuế sản phẩm từ trợ cấp chiếm 1.691 tỷ đồng (4,95%). GRDP bình quân theo đầu người khoảng 36,36 triệu đồng.
Tài nguyên nước
Trên lưu vực Sê San có lượng mưa trung bình nhiều năm là 2120mm vào loại trung bình. Lượng mưa năm có xu hướng tăng dần từ thấp đến cao và theo thời gian cũng có nhiều biến đổi. Mưa được phân thành 2 mùa: mùa mưa từ tháng V đến tháng X, mùa khô từ tháng XI đến tháng IV năm sau.
Tài nguyên nước mặt
Hàng năm trên lưu vực sinh ra tổng lượng nước là 11,2 tỷ m3 trong đó tổng lượng trung bình mùa khô và mùa mưa lần lượt là 3,5 và 7,7 tỷ m3, với lưu lượng trung bình nhiều năm là 354 m3/s (tại biên giới với Campuchia).
Chất lượng nước mặt trên dòng chính sông Sê San được đánh giá theo chỉ số WQI (Theo Quy định của Bộ TN và MT) phần lớn ở mức 91-100: có thể sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên có một số vị trí như khu vực thành phố Pleiku hoặc thành phố Kontum thì chỉ số WQI chỉ đạt 76-90: có thể sử dụng cho sinh hoạt sau khi xử lý. Ngoài ra có một số khu vực trên dòng nhánh gần các nguồn thải chỉ số WQI chỉ đạt 51-75: có chất lương trung bình sử dụng tốt cho mục đích tưới tiêu.
Tài nguyên nước dưới đất
Nước dưới đất trên lưu vực Sê San chủ yếu được chứa ở các tầng chứa nước lỗ hổng – khe nứt phun trào bazan, tổng lượng nước tỉnh khoảng 30.616 triệu m3, lượng bổ cập khoảng 1.180 m3/ngày, tiềm năng khai thác có thể đạt 4,2 triệu m3/ngày.
Chất lượng nước dưới đất theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước dưới đất (QCVN 09-MT:2015/BTNMT) ở lưu vực sông Sê San khá tốt. Hầu hết đáp ứng được các tiêu chí của QCVN 09-MT:2015/BTNMT cho sử dụng vào các mục đích sinh hoạt và tưới.
Sử dụng nước
Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn trên lưu vực sông Sê San, tổng số công trình thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu trên lưu vực sông Sê San bao gồm 125 công trình hồ chứa thuỷ lợi với năng lực tưới là 22.470 ha. Ngoài ra, trên lưu vực sông Sê San có 74 đập dâng lớn nhỏ và 17 trạm bơm với diện tích tưới là 2.580 ha.
Tổng nhu cầu nước cho sinh hoạt trên lưu vực sông Sê San là 32,96 triệu m³ cho cả khu vực nông thôn và thành thị. Thực tế lượng nước cấp cho sinh hoạt là 25,61 triệu m³, cấp nước cho khoảng 736.700 người chiếm khoảng 78% tổng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt trên toàn lưu vực.
Trong lưu vực sông Sê San, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp nằm rải rác và phân bố không đều ở các huyện. Diện tích các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong lưu vực sông Sê San có tổng lượng nước sử dụng ước tính là 1,2 triệu m³/năm.
Hiện nay, trên lưu vực sông Sê San có 8 nhà máy thuỷ điện lớn với tổng công suất lắp máy là 1.846 MW là Thượng Kon Tum, Đăk Bla 1, Plei Krông, Yaly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Sê San 4A; và 39 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy 2.202MW. Công trình thủy điện Sê San 4 và Sê San 4A có nhiệm vụ điều tiết và điều hòa dòng chảy sang phía Campuchia. Công trình Thượng Kon Tum là công trình thủy điện chuyển nước ra ngoài lưu vực, sang sông Đăk Lô thuộc lưu vực sông Trà Khúc, với lưu lượng thiết kế là 30 m3/s.
Lưu vực sông Srê-Pốk
Vị trí địa lý và hệ thống sông suối
Cũng như sông Sê San, sông Srêpốk nằm trong khu vực 3S, bắt nguồn từ Tây Nguyên chảy qua lãnh thổ Campuchia và hợp lưu với sông Mê Công tại Stung Treng.
Lưu vực sông Srêpôk có tổng diện tích tự nhiên là 30.900 km2, trong đó phía Việt Nam có diện tích là 18.264 km². Phía Bắc giáp lưu vực sông Sê San; phía Đông giáp lưu vực sông Ba và sông Cái Nha Trang; phía Tây là phần hạ lưu lưu vực sông Srêpôk trên lãnh thổ Campuchia.
Lưu vực sông Srêpok gồm hai nhánh chính là Krông Knô, Krông Ana và các nhánh Ea H’Leo, Ea Đrăng và Ea Lốp. Sông nhánh Krông Knô bắt nguồn từ những dãy núi cao trên 2000 m với diện tích lưu vực là 4.620 km2, chiều dài …km. Sông nhánh Krông Ana có tích lưu vực là 3.200 km2, dài 143 km.
Các nhánh Ea H’Leo (dài 128 km), Ea Lốp (104 km) và Ea Đrăng (78 km) có tổng diện tích 5.944 km2 được bắt nguồn từ dãy núi Hàm Rồng thuộc địa phận tỉnh Gia Lai và nhập lưu với dòng chính sông Srêpôk ở phía Campuchia.
Hành chính
Lưu vực sông Srê- Pốk bao gồm các tỉnh Gia Lai (4 huyện: Huyện Chư Prông, Chư Pưh, Chư Sê và Đức Cơ), Đăk Lăk (gồm 14 huyện, thành phố: Huyện Buôn Đôn, Cư Kuin, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Kar, Ea Súp, Krông A Na, Krông Bông, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc, Huyện Lắk, M’Đrắk và thành phố Buôn Ma Thuột), Đăk Nông (gồm 5 huyện: huyện Cư Jút, Đắk Glông, Đắk Mil, Đắk Song và huyện Krông Nô) và Lâm Đồng (có 2 huyện: Đam Rông và Lạc Dương).
Dân số
Theo thống kê năm 2018, lưu vực sông Srêpôk có dân số là 2.313.274 người, chủ yếu tập trung ở tỉnh Đắk Lắk với 1.603.633 người. Các tỉnh còn lại bao gồm Gia Lai (289.907 người), Đắk Nông (367.582 người) và Lâm Đồng (52.152 người).
Dân tộc
Lưu vực Srê-pốk có 47 dân tộc sinh sống, trong đó người Kinh chiếm tới 70%, còn lại là các dân tộc thiểu số Ê Đê (19%), Nùng (4%) M’Nông (3%) và các dân tộc khác: Thái, Tày, Gia Rai, Giẻ Chiêng…
Kinh tế
Quy mô tổng sản phẩm (GRDP) trên lưu vực sông Srêpôk năm 2017 (so sánh giá 2010) là khoảng 82.897 tỷ đồng (chiếm 70,83% GRDP toàn lưu vực sông 2S). Trong đó, ngành Nông, lâm thuỷ sản chiếm 32.637 tỷ đồng (39,37%), ngành Công nghiệp chiếm 8.445 tỷ đồng (10,19%), ngành xây dựng chiếm 4.452 tỷ đồng (5,37%), ngành dịch vụ chiếm 35.283 tỷ đồng (42,56%) và thuế sản phẩm từ trợ cấp chiếm 2.081 tỷ đồng (2,51%). GRDP bình quân theo đầu người khoảng 36,75 triệu đồng.
Tài nguyên nước
Lượng mưa bình quân nhiều năm toàn lưu vực Srê-Pôk phía Việt Nam là 1650 mm. Mùa mưa từ tháng V- X với lượng mưa mùa mưa chiếm xấp xỉ 85% lượng mưa năm, mùa khô từ tháng XI đến tháng IV năm sau.
Tài nguyên nước mặt
Tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của lưu vực Srê-Pôk là 17,3 tỷ m3, trong đó tổng lượng trên dòng chính song Srê-Pôk tại biên giới với Campuchia là 10,1 tỷ m3, tổng lượng dòng chảy của phần Ea H’Leo, Ea Đrăng và Ea Lốp là 7,2 tỷ m3. Mùa khô mùa mưa
Chất lượng nước mặt trên dòng chính sông Srêpốk được đánh giá theo chỉ số WQI (Theo Quy định của Bộ TN và MT). Chất lượng nước mặt của lưu vực sông Srêpốk ở các vùng Ea H’Leo, Ea Đrăng và Ea Lốp được đánh giá là kém và trung bình. Các khu vực khác thuộc dòng chính Srêpốk thì chỉ có khu vực phần thượng lưu sông SrêPôk qua các huyện Krông Nô, Krông A Na, Đắk Mil, TP. Buôn Ma Thuột có chất lượng nước tốt chỉ số WQI lớn hơn 75, chỉ cần có nhà máy nước hoặc biện pháp xử lý tốt có thể khai thác thành nguồn nước cấp cho sinh hoạt, Hạ lưu sông SrêPôk có chất lượng kém hơn và chỉ đạt mức trung bình, chỉ số WQI nhỏ hơn 75, vì vậy có thể sử dụng tốt cho tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.
Nước dưới đất
Tổng trữ lượng tĩnh của các tầng chứa nước trên lưu vực Srêpốk vào khoảng 65,3 tỷ m3, lượng bổ cập cho nước ngầm trên toàn lưu vực khoảng 2.840 m3/ngày, lượng nước dưới đất tiềm năng khai thác vào khoảng 9.370 m3/ngày. Chất lượng nước dưới đất của lưu vực Srêpốk được đánh giá là khá tốt, đảm bảo cho các nhu cầu sinh hoạt và tưới.
Sử dụng nước
Tổng lượng nước cấp cho nhu cầu sử dụng nước dùng cho sinh hoạt là 139.269m³/ngày chiếm khoảng 84,2% tổng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt toàn lưu vực sông Srêpôk. Trong đó, số dân được cấp nước vào khoảng 1.436.096 người.
Để phục vụ sản suất nông nghiệp, trên lưu vực Srêpôk có tổng số lượng hồ chứa là 890 hồ,. Năng lực tưới thực tế từ các công trình thủy lợi trên toàn lưu vực Srêpôk khoảng 139.750 ha, trong đó đảm bảo lượng nước tưới cho 36.520 ha lúa, 48.000 ha cà phê và 18.400 ha hoa màu và các loại cây khác.
Các khu công nghiệp sử dụng nguồn nước mặt trong lưu vực Srêpôk có tổng lượng nước sử dụng là 7.640 m³/ngày.
Trên lưu vực sông Srêpôk có 5 nhà máy thuỷ điện lớn với tổng công suất 950 MW đó là: Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srêpốk 3, Srêpốk 4 và Srêpốk 4A; và 56 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy 229 MW. Trong đó Thủy điện Srêpốk 4 có nhiệm vụ điều tiết và điều hòa dòng chảy sang phía Campuchia.